Jan 31, 2010

Một chút bắc mang theo

[Tặng cho người bắc nói giọng nam]

Gia đình tôi [nhac sĩ Quốc Bảo] vào Nam năm 1954; đấy là gia đình nhỏ gồm bà ngoại, mẹ và cậu tôi, còn họ mạc vẫn ở lại ngoài Bắc. Tôi sống với bên ngoại từ thuở lọt lòng, hít thở cái không khí Bắc còn vương lại - hay đúng hơn - được mang theo. Trong giọng nói, cách ăn uống, thói quen, những câu chuyện, những kỷ niệm, vô vàn kỷ niệm.

Xóm tôi ở mấy mươi năm cho đến tận lúc lập gia đình riêng là một xóm Bắc. Những người Bắc Công giáo sống cùng những người Bắc Phật tử, hiếm hoi lắm mới tìm thấy một gia đình rặt Nam. Xa hơn một chút, về phía cuối đường, là khu người Hoa Quảng Đông làm những nghề thuộc da, thổi nhựa nylon, cởi trần suốt ngày và nói tiếng Việt theo một thứ ngữ pháp kỳ lạ.

Bạn thiếu thời của tôi, Huế có Bắc có Hoa có. Nên tôi nói một thứ giọng pha đủ loại giọng, đến độ Lưu Trọng Văn trong một lần phỏng vấn, đã nhận xét, ông nói giọng chả ra miền nào.

Giọng chả ra miền nào thì là giọng Sài Gòn. Chắc chắn rồi.

Cậu tôi, cựu sinh viên Triết, chỉ mê nhạc của những người Bắc. Khi cậu mua chiếc máy cassette stéréo bằng tháng lương đầu tiên, ông chỉ đem về những băng nhạc Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến. Tôi hay lén người lớn bật đi bật lại một bài nào đó, Con Đường Tình Ta Đi hoặc Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay để chép lại lời ca. Những lời ca của người Bắc. Cách dùng từ đặt câu của người Bắc. Mẹ tôi ủng hộ việc giữ gìn chất Bắc - dĩ nhiên tôi vâng lời với một chút khó chịu trong lòng, vì những đứa bạn gốc Hoa, gốc Huế của tôi đâu có ăn nói như thế.

Khi tôi lên ba, bà ngoại tôi đem ra một bộ nĩa ăn nhỏ xíu chỉ có hai răng, cho tôi làm đồ chơi. Bà gọi đó là những cái dĩa. Dĩa, không phải nĩa. Cùi dìa, không phải muỗng. Tôi hay nằm trong lòng bà khi bà têm trầu, những miếng trầu têm cánh phượng lả lướt như thơ, thơm nức, hơi vôi nồng, là cả một trời Bắc bà đem vào Sài Gòn cùng với những câu chuyện không đầu không đuôi về thời thiếu nữ của bà. Trầu têm cánh phượng, chỉ có vôi trắng, không xỉa thuốc như trầu người Nam. Bà hát ru tôi, Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi. Ru bằng câu ả đào, không phải câu vọng cổ từ là từ phu tướng.

Mẹ tôi là cô giáo, rất dị ứng với lối phát âm miền Nam, sợ học trò viết sai chính tả. Ngay cả bây giờ, cháu nội vẫn bị bà mắng khi phát âm “thịt” thành “thựt” theo tiếng Nam.

***

Song dù muốn dù không, tôi là người Nam.

Thế nên tôi có hai cách nói chuyện. Cách xuề xòa miền Nam “rặt” dùng cho giao tiếp thông thường và cách phát âm chuẩn Bắc để dành khi cần phát biểu trước công chúng. Tình cờ bật ti vi thấy tôi nói gì đó, mẹ tôi bằng lòng lắm, ừ nói thì phải nói giọng Bắc nghiêm chỉnh đứng đắn chứ. Làm sao bà biết được ngay sau câu đứng đắn nghiêm chỉnh ấy, tôi bảo cameraman đủ gòi nha cắc đi

Trong sinh hoạt thường ngày, tôi thích giọng Sài Gòn. Nó thân mật, phóng khoáng, khác với giọng Bắc nghiêm cẩn và tinh tế.

Giống như tiếng Anh của người Mỹ khác với của người Anh.

Tôi chọn thứ giọng ở giữa.

Tôi chẳng ra bảo thủ cũng chẳng ra cấp tiến. Tôi ở giữa.

Hồi trước, tôi có nhiều dịp soạn kịch bản cho MC đọc trong các chương trình giải trí hoặc hội nghị. Tôi nghiệm ra rằng phải dựa vào cách phát âm của MC mà viết. Không thể đặt câu văn Bắc vào miệng người Nam, và ngược lại. Chỉ khi bạn nói giọng Sài Gòn, bạn mới có thể đọc cả hai thứ “hơi văn” đó.

Tôi rất yêu thứ giọng Hà Nội ấm áp, hào hoa của Nguyễn Đình Toàn “em nhớ không chút heo may của những ngày sung sướng đó”; và tôi cũng yêu không kém kiểu giọng Sài Gòn thật mộc, thật chân tình của Chung Vũ Thanh Uyên hay Lê Đỗ Quỳnh Hương.

Chất Bắc mà thế hệ cha mẹ tôi đem theo, đến tôi đã vơi gần hết. Chỉ còn một chút nổi nênh loáng thoáng trên chất Sài Gòn như đầu tăm bơ Bretel váng trên một tách cà phê đậm buổi sáng.

[Viết cho SGTT Xuân Canh Dần]

No comments:

Post a Comment