(Viết cho bạn J béo)
Một vốn bốn lời...
Một vốn bốn lời...
Quảng cáo của các TTNN.Trên các trục đường lớn của TP.HCM như Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần, Nguyễn Tri Phương, Quang Trung… mỗi đường có từ 2-4 trung tâm ngoại ngữ (TTNN) đang hoạt động. Thậm chí, khu vực Ngã tư Hàng Xanh hay một đoạn ngắn trên đường 3 Tháng 2 (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Nguyễn Tri Phương) có đến 4-5 trung tâm san sát nhau. Trên các trục đường này, một số trung tâm nằm đối diện nhau để tiện... cạnh tranh(!?) Từ đầu năm đến nay, nhiều TTNN được mở ra ở các quận ngoại thành như quận 7, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú... Đồng thời, các TTNN cũng được đặt gần các trường đại học, cao đẳng. Mỗi một trường dạy ngoại ngữ thường có 2, 3 chi nhánh, thậm chí đến 7,8 chi nhánh rải khắp thành phố. Cụ thể, trường Anh ngữ Đông Âu có trên 10 chi nhánh cộng thêm IWEP, hệ thống này phải có đến 20 chi nhánh ở khắp các quận trong thành phố. Trường Ngoại ngữ Dương Minh cũng hiện diện tại quận 1, Gò Vấp, Tân Bình... với 7 chi nhánh khác nhau. Theo chúng tôi được biết, trong vòng chưa đến 1 năm, TTNN B. đã thành lập đến 5 chi nhánh tại các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú. Về vốn liếng, những người trong ngành cho rằng chỉ cần có khoảng 200 triệu đồng đồng là có thể mở được một trung tâm. Điều quan trọng đầu tiên để mở một TTNN ngữ là phải kiếm được mặt bằng. Sau đó sẽ lấy tiền học phí để trang trải các chi phí, trong đó có lương giáo viên. Điều này cũng được ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: "Mở trường dạy ngoại ngữ không cần nhiều vốn. Muốn cho ra đời một trung tâm, chỉ cần có mặt bằng, sau đó lấy tiền học phí để trả lương cho giáo viên". Chị Nguyễn N. S., trước đây là nhân viên tư vấn của Trường Anh ngữ E., tiết lộ rằng từ đầu năm 2008 tới nay, có khá nhiều nhân viên của E. ra mở trường riêng. Mỗi người mở từ 1-2 trung tâm và theo chị S đánh giá, hầu hết các trung tâm đều làm ăn phát đạt. Chị S nói: "Bí quyết thu hút học viên mỗi nơi một khác, nhưng hình thức, nội dung chương trình của hầu hết các trung tâm ngoại ngữ đều na ná nhau,bắt chước lẫn nhau”.
Mục đích tối hậu là lợi nhuận
Trước đây, T. T., Giám đốc một TTNN, đã có thời gian loay hoay với các TTNN truyền thống với mức học phí vài chục nghìn đồng/tháng. Nhưng giờ đây T khẳng định: “Những TTNN kiểu như trong các trường đại học, cao đẳng lâu nay không còn ăn khách. Mức sống của người dân càng cao thì nhu cầu học ngoại ngữ càng nhiều. Phụ huynh cũng muốn con em mình học ở những ngôi trường khang trang, có thêm vài thầy giáo nước ngoài đi ra đi vào thì càng thu hút người học”. Theo đánh giá của những người trong ngành, các trung tâm "sinh sau đẻ muộn" trong vòng mấy tháng trở lại đây như của anh T. thì lợi nhuận không thấm vào đâu so với những "anh chị" ra đời trước đó. Chị N.B.T, một cựu nhân viên của Trường Anh ngữ E tiết lộ: "Mỗi tháng, ban giám đốc định mức doanh thu cho một trung tâm từ 1 - 1,5 tỷ. Nếu trừ hết chi phí, lợi nhuận phải vài trăm triệu/tháng". Có thể nói rằng lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của hầu hết các TTNN. Theo ông Cương, xét cho cùng, các trung tâm mở ra đều vì lợi nhuận. Cho nên, các trung tâm phải tìm cách giảm chi phí nhằm để tăng thêm lợi nhuận. Và càng có nhiều trung tâm thì lợi nhuận càng cao. Bởi vì một hiệu trưởng có thể đứng tên cùng lúc cho nhiều trung tâm. Và giáo viên có thể “chạy sô” giữa các chi nhánh. Bạn Nguyễn Thời, quận 3, học viên ở IWEP, cho biết: “Cơ sở vật chất có chỗ được có chỗ không, nhưng bù lại học phí ở đây rẻ. Giáo viên đa số là người Việt, em học TOEFL ở đây mà chỉ cho có người Việt dạy, học ở mấy trung tâm tầm tầm bậc trung này hên thì gặp giáo viên kha khá một chút, còn xui thì đành chấp nhận. Theo em được biết, IWEP, Á Âu và Đông Âu được đầu tư bởi một người duy nhất, nên chất lượng cũng ngang nhau”.
Nhiều cơ quan có quyền cấp phép
Sở GD-ĐT đang quản lý khoảng 470 trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Tuy nhiên, con số thực tế sẽ cao hơn rất nhiều và Sở không thể nào quản lý hết, bởi vì có những trung tâm do cơ quan khác cấp phép. Về vấn đề này, một chuyên viên thuộc Sở GD-ĐT cho biết: "Con số 470 chỉ là những trung tâm do Sở cấp phép và có đăng ký hoạt động ở Sở. Hiện thành phố có khoảng 600 công ty được phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhưng chỉ có 140 đơn vị đến Sở để đăng ký hoạt động cho các TTNN của họ". Hiện nay, các TTNN có thể được chia thành 3 nhóm: các trung tâm có 100% vốn nước ngoài do người nước ngoài đứng tên, các trung tâm do Việt kiều làm chủ, và các trung tâm do người trong nước đăng ký. Hai nhóm đầu do Bộ Kế hoạch Đầu tư hoặc Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn nhóm thứ 3 thì do Sở GD-ĐT cấp phép và quản lý. Muốn mở một TTNN chỉ cần mất 30 ngày để hoàn thành thủ tục và được cấp phép. Trước đó, trung tâm phải chứng minh họ có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn để mở trường. Đối với những TTNN không do Sở GD-ĐT cấp phép thì khi phát hiện sai phạm ở những trung tâm này, Sở chỉ báo cáo lên Bộ hoặc UBNND thành phố chứ không được quyền rút giấy phép kinh doanh. Và tất nhiên Sở cũng không nắm được hồ sơ gốc khi họ đăng ký hoạt động. Chẳng hạn như đối với Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học STI, Sở không biết thêm điều gì khác ngoài tên chủ trường và tên hiệu trưởng!
No comments:
Post a Comment